Nước thải chưa qua xử lý, không qua bất kỳ một hệ thống xử lý nước thải nào dẫn tới những mối nguy hiểm, những vấn nạn ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng cho chính cuộc sống người dân. Có nhiều chế tài, biện pháp xử lý những đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt đủ tiêu chuẩn cho phép song vẫn như muối bỏ bể. Hiện trạng nhiều đơn vị xả thải trực tiếp không qua hệ thống xử lý nước thải đã gây không ít những bức xúc và dấy lên những lo ngại của người dân.
Xí nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải xả thải trực tiếp ra môi trường
Cuối tháng 8/2014, hàng trăm người dân ở ấp Phấn Thạnh, xã Thạnh Phú (Cái Nước, Cà Mau) đập đường ống dẫn nước thải của phân xưởng sơ chế tôm thuộc Cty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau, để “tạo bằng chứng” ô nhiễm môi trường. Một người dân tham gia đập ống dẫn nước thải của phân xưởng chế biến tôm, ông Phạm Văn Đảnh bức xúc: “Nước thải không được xử lý, xả ra làm ao nuôi tôm của dân chết hàng loạt. Chúng tôi gửi đơn nhiều nơi không ai giải quyết nên phải phá, không cho xả nước thải ra sông nữa”.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, ông Nguyễn Duy Hưng, than thở, biết dân bức xúc lâu rồi nhưng cấp xã không giải quyết được. Ông giải thích, UBND tỉnh Cà Mau cấp phép. Việc giám sát và xử lý ô nhiễm môi trường là Sở Tài nguyên Môi trường (TN – MT), “cấp xã chỉ ghi nhận ý kiến của người dân, báo cáo lên trên và chờ đợi”, ông Hưng nói.
Ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau) có hàng chục xí nghiệp chế biến thủy sản đang xả nước thải chưa xử lý xuống kênh, gây ô nhiễm nhiều xã trong huyện, lan ra huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi và cả TP Cà Mau. Ông Trần Văn Toản ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú (Cái Nước) nói: “Chúng tôi làm đơn khiếu kiện nhưng không ai xử lý, không chỉ ô nhiễm sông rạch mà không khí cũng hôi thúi không chịu nổi, bệnh tật ngày càng nhiều”. Khu công nghiệp Hòa Trung ở xã Lương Thế Trân được “vẽ” quy hoạch khi các nhà máy chế biến thủy sản đã mọc lên trong khu dân cư nên khó xử lý ô nhiễm. Lãnh đạo khu công nghiệp cho biết, xen kẽ giữa các nhà máy có hơn 100 hộ dân sinh sống lâu đời, nay “đi không được, ở không yên”.
Ông Ngô Nhật Thành, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau, nói: “Không có khu công nghiệp riêng cho chế biến thủy sản là bức xúc nhất hiện nay. Cà Mau có 48 nhà máy chế biến thủy sản nằm rải rác trong dân, một số có hệ thống xử lý nước thải nhưng vận hành hay không rất khó kiểm soát”. Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích nồng độ các chỉ tiêu môi trường tại 30 điểm quan trắc nước mặt khu vực có nhà máy chế biến thủy sản. Kết quả, ô nhiễm chất hữu cơ và dinh dưỡng đều vượt quy chuẩn nhiều lần.
Các cơ sở nuôi tôm ở tỉnh khác cũng tương tụ hiện trạng xử lý nước thải như vậy ?
Trái ngược với Cà Mau, Tỉnh An Giang có nhiều cơ sở nuôi và chế biến thủy sản, hằng năm xả ra lượng chất thải rất lớn nên đã thuê một doanh nghiệp khảo sát và xây dựng các hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại. Năm 2010, xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đầu tiên ở một nhà máy chế biến thuỷ sản tại xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú), đến nay đã xây dựng được nhiều hệ thống xử lý nước thải cho các nhà máy. Từ xử lý nước thải ở các nhà máy đi đến xây dựng dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung cho các huyện. Các hệ thống xử lý chất thải đi kèm sản xuất khí đốt, điện năng, nhiên liệu sinh học và bán chứng chỉ giảm phát thải nên hạ được giá thành.