Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang thử nghiệm tại Hà Nội bảng điện tử phát thông tin chất lượng môi trường. Qua đó, người dân sẽ được biết kịp thời chất lượng không khí, nước…nơi mình đang sống.
Ngay trên con đường đẹp nhất Thủ đô, người dân có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin về ô nhiễm môi trường tác động đến chính cuộc sống của mình như thế nào.
Từ tháng 7/2007, bảng điện tử đưa toàn bộ thông số về hiện trạng và chất lượng môi trường không khí, nước, lưu vực sông… được phát thử nghiệm tại khuôn viên Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sát mặt đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.
Theo Trung tâm quan trắc và thông tin môi trường, đơn vị thực hiện hoạt động bảng điện tử nói trên, thông tin chất lượng môi trường được phát thử nghiệm 2 lần/ngày, từ 7 – 8 giờ và 16 – 20 giờ. Thời gian thí điểm trong khoảng 1-2 tháng.
Khác với việc thông báo tình hình môi trường tại một điểm của Hà Nội bằng những hình ảnh mặt cười, khóc… như “Bảng điện tử thông báo tình trạng tai nạn giao thông – môi trường” hiện đang đặt tại nút giao thông Daewoo, bảng điện tử thông tin chất lượng môi trường sẽ cập nhật thường xuyên các thông số về tình hình môi trường ở Hà Nội và tất cả các địa phương khác trong cả nước.
Trên bảng điện tử này, thông tin về chất lượng môi trường không khí, nước, lưu vực sông; tình hình thời tiết; các thông tin về hiện trạng môi trường, cảnh báo mức ô nhiễm… sẽ được cập nhật thường xuyên.
Những thông tin này sẽ chạy liên tục trên màn hình 15 phút/lần. Những tín hiệu cảnh báo sẽ được thể hiện bằng đồ thị, hình ảnh, đoạn phim ngắn, những bảng màu với quy ước như màu đỏ – chất lượng không khí đang ở mức nguy hiểm, màu xanh: tốt….
Trung tâm quan trắc và thông tin môi trường cho biết, các thông tin sẽ được thể hiện để người dân dễ hiểu.
Bộ trưởng Bộ TN & MT Mai Ái Trực – người chỉ đạo thực hiện đưa thông tin về môi trường lên bảng điện tử này cho biết, mục đích của Bộ TN&MT trong việc công khai thông tin về môi trường tới đông đảo nhân dân – một hình thức đưa thông tin ra công chúng mà các nước khác đã làm rất hiệu quả.
Qua đó, người dân có thể quan sát, biết được hiện trạng môi trường so với các tiêu chuẩn đạt hay không nhằm cảnh báo người dân cần bảo vệ môi trường sống. Ví dụ, cả nước có bao nhiêu con sông bị ô nhiễm; tiêu chuẩn cho phép về môi trường như thế nào và Việt Nam vượt quá bao nhiêu lần; lưu vực sông ô nhiễm thế nào, do ai; bao nhiêu người chết vì ô nhiễm không khí…
Nếu Hà Nội thành công, sau thời gian thử nghiệm có thể mở rộng ở các đô thị lớn để người dân cả nước được cập nhật thông tin về chất lượng và hiện trạng môi trường. Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ là điểm tiếp theo để lắp đặt bảng điện tử về hiện trạng và chất lượng môi trường.