Xử lý nước thải công nghiệp tập trung tại các khu CN, Khu dân cư luôn là những bài toán đau đầu của các cấp lãnh đạo, những nhà hoạch định môi trường. Tiêu biểu và đi đầu cho kế hoạch phát triển môi trường bền vững, cũng với những dự án xử lý nước thải, xử lý chất thải lớn là công tác quy hoạch và phân vùng hoạt động hiểu quả hơn của các nhà máy. Kế hoạch và những thay đổi trong quy trình quy hoạch tổng thể mới được phê duyệt tại Đồng Nai sẽ là bước đệm cho các tỉnh, thành phố khác học tập và đúc rút kinh nghiệm.
Quy hoạch hệ thống xử lý nước thải khu dân cư tại Đồng Nai
Trước hiện trạng gây ô nhiễm môi trường từ phía các doanh nghiệp, khu công nghiệp chưa có những giải pháp xử lý nước thải, xử lý chất thải, rác thải triệt để. Theo thống kê của Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết dù đã có nhiều cố gắng trong đầu tư nhưng cả nước vẫn còn trên 20% số KCN-KCX chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, 70% làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu dẫn tới phát sinh nhiều chất thải, gây khó khăn cho công tác quản lý. Các khu xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt là xử lý chất thải nguy hại tập trung, còn thiếu và chỉ được thực hiện ở các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. Công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị còn lạc hậu, phần lớn là chôn lấp. Đến nay, 85% đô thị đang sử dụng các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh và chỉ có khoảng 9% đô thị có nhà máy xử lý rác thải kết hợp chế biến phân hữu cơ, về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.
Theo thông báo mới nhất được đăng tải lên website Chính phủ (Chinhphu.vn) Trong tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 với phạm vi quy hoạch là toàn bộ diện tích lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (khoảng 47.000 km2) thuộc ranh giới hành chính của 11 tỉnh, thành phố.
Chi tiết kế hoạch quy hoạch hệ thống xử lý nước thải Tại Đồng Nai
Theo quy hoạch, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được chia thành 7 vùng tiêu thoát nước bao gồm: 2 vùng tiêu là sông La Ngà, sông Bé áp dụng giải pháp tiêu thoát nước tự chảy hoàn toàn và 5 vùng tiêu là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây (1 phần khu vực tỉnh Long An), các sông nhỏ ven biển có địa hình thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ áp dụng giải pháp tiêu thoát nước tự chảy kết hợp với tiêu động lực.
Về quy hoạch thoát nước mưa, các đô thị được chia thành các lưu vực thoát nước bảo đảm thoát nước nhanh và triệt để; cải tạo, xây dựng mới các hồ điều hòa, trạm bơm và các trục thoát nước chính trong đô thị. Đối với khu vực nông thôn lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với hệ thống thuỷ lợi và điều kiện của địa phương. Còn các khu công nghiệp nước mưa được thoát trực tiếp ra sông, kênh, mương, hồ theo quy hoạch.
Dự kiến xây dựng 51 nhà máy xử lý nước thải
Về các giải pháp thoát nước và xử lý nước thải, Quyết định nêu rõ, đối với các đô thị từ loại III trở lên đang sử dụng mạng lưới thoát nước chung, đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung hiện có và xây dựng mới hệ thống thoát nước nửa riêng (gồm cống bao, giếng tách dòng,…) để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung. Các đô thị mới, đô thị loại IV, V từng bước xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải. Nước thải được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung và được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Tại các khu công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Dự kiến xây dựng 51 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị từ loại III trở lên thuộc phạm vi lưu vực hệ thống sông Đồng Nai với công suất đến năm 2020 là 2.502.800 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 4.181.500 m3/ngày đêm.
Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm xử lý nước thải) trong phạm vi lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020 khoảng 99.100 tỷ đồng đến năm 2030 khoảng 69.200 tỷ đồng (được huy động từ nhiều nguồn khác nhau).