( Môi trường PERSO ) Mức độ ô nhiễm đối với bắc Giang cũng đang ở mức báo động với năm khu công nghiệp (KCN), 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 2.000 ha. Nhiều năm qua, dường như việc quản lý chất thải, nước thải trong hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn bị “bỏ quên”, các hệ thống xử lý nước thải công nghiệp hoạt động không hiệu quảm, chất lượng không tốt. Tình trạng ô nhiễm môi trường do xả thải bừa bãi, không qua xử lý là đáng báo động.
Điểm mặt công tác xử lý nước thải và xây dựng hệ thống xử lý nước thải của Bắc Giang
Khu vực nội thành TP. Bắc Giang có 28 hồ, ao. Trước đây, mức độ ô nhiễm môi trường ở các hồ, ao xảy ra nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước thải đổ vào hồ, ao chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu. Thành phố đã đề ra giải pháp xử lý bằng cách phân tách toàn bộ hệ thống nước thải để các hồ, ao chỉ là nơi chứa nước mặt.
Theo như ông NGUYỄN ANH QUYỀN (Trưởng Ban Quản lý các Khu Công Nghiệp tỉnh) có đề cập “do nhiều nguyên nhân, đến nay mới chỉ có một Khu Công Nghiệp có hệ thống hạ tầng xử lý nước thải tập trung, hai Khu Công Nghiệp khác thì chủ đầu tư đang xây dựng sẽ đưa vào sử dụng trong năm nay. Riêng Khu Công Nghiệp còn lại, do đơn vị chủ đầu tư kém năng lực, tỉnh đã thu hồi giấy phép và chúng tôi giao cho Công ty Phát triển hạ tầng triển khai dự án xử lý nước thải vào năm tới” tuy nhiên nhiều năm nay, người dân dọc khu vực ngòi Bún thuộc các xã Tân Mỹ, Song Khê và Ðồng Sơn khốn đốn vì 15 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại KCN Song Khê – Nội Hoàng “vô tư” xả thải ra tuyến kênh tiêu T3 ( Nước thải chưa qua xử lý). Quá bức xúc, người dân làm đơn kêu cứu khắp nơi, UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm tra, xử lý, nhưng được vài lần là đâu lại đóng đấy. Nguyên nhân được xác định là do DN khi đầu tư nhà máy thiếu đồng bộ, hầu hết “bỏ qua” nội dung xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp , hoặc nếu có thì hạn chế hoạt động do chi phí tốn kém, không đảm bảo độ ổn định khi vận hành, hoặc hệ thống xử lý nước thải nhanh xuống cấp …
Tương tự, người dân xã Hồng Thái (huyện Việt Yên) ngày ngày hứng chịu hàng nghìn m3 nước thải đổ xuống từ KCN Ðình Trám vào tuyến sông nhánh dẫn nước qua địa bàn. Người dân chủ yếu lấy nước từ nhánh sông này phục vụ sản xuất, nhưng gần đây, nước sông ô nhiễm nặng nề. Nhiều hiện tượng cá chết hàng loạt, trâu, bò mắc bệnh, cây trồng lớn chậm, dễ mắc các bệnh về lá. Qua kiểm tra của Sở Công thương Bắc Giang cho thấy, nguyên nhân ô nhiễm chính từ nước thải của các DN đang sản xuất tại KCN và một DN may mặc bên ngoài KCN. Trong khi KCN này có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng lại vận hành “không đúng quy trình kỹ thuật, không kiểm soát được an toàn môi trường nước thải”.
Nhiều hộ dân đã có những đơn thư đề nghị khắc phục hậu quả môi trường, chí ít cũng xây dựng những hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đủ hiệu xuất để xử lý và giải quyết dứt điểm vấn đề môi trường. Ở Cụm công nghiệp Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) có gần 20 DN hoạt động, hầu hết trong lĩnh vực sửa chữa, gia công cơ khí và chế biến sản phẩm, vật liệu phế thải. Tại đây không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải chưa qua xử lý được “vô tư” xả vào hệ thống mương tiêu nước làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân. Nhiều hộ dân đã phải bỏ ruộng không sản xuất nữa do không có nước tưới hoặc nước quá ô nhiễm. Ngoài ra, ô nhiễm do khói, bụi, tiếng ồn cũng ở mức độ cao, cường độ mạnh mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Các DN có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đã bị các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang xử lý thời gian gần đây, có: Công ty Á Cường, hoạt động tại Sơn Ðộng, bị phạt 30 triệu đồng; Công ty Sông Dưỡng, huyện Lạng Giang nung vôi gây khói bụi và xả xỉ than trực tiếp xuống sông Thương; ngoài ra, một số nhà máy sản xuất giấy, khai khoáng, chế biến nông, lâm sản, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng gia dụng; các cơ sở gia công vật liệu phế thải, hàng tiêu dùng… mỗi đơn vị cũng phải nộp phạt hàng chục triệu đồng sau các cuộc thanh tra, kiểm tra. Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành Bắc Giang cho thấy, trong số bốn KCN đang hoạt động, chỉ có duy nhất một KCN có hệ thống xử lý nước thải; trong số 34 cụm công nghiệp đang hoạt động, chỉ có duy nhất một cụm được đầu tư hệ thống xử lý đồng bộ, ba cụm khác có đầu tư nhưng chưa đồng bộ, số còn lại chưa được đầu tư. Ðáng nói là, trước khi được cấp phép đầu tư, tất cả các DN hoạt động tại các khu, cụm CN đều có và được thông qua báo cáo đánh giá tác động đối với môi trường cũng như cam kết xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Thế nhưng, đến khi hoạt động, hầu hết các DN đều xả thẳng nước thải ra hệ thống sông hoặc kênh, mương phục vụ tưới, tiêu ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều khu dân cư trên địa bàn. Không chỉ xả trộm ra hệ thống thoát nước vào ban đêm, nhiều DN ngang nhiên xả thải cả ban ngày. Trong năm 2013, cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra 53 cơ sở sản xuất, DN về thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, phát hiện 31 vi phạm và xử phạt hành chính gần một tỷ đồng, đồng thời truy thu 1,5 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường. Quý I-2014, tỉnh Bắc Giang cũng đã liên tục thực hiện nhiều biện pháp “mạnh tay” với các hành vi vi phạm, nhưng kết quả còn rất hạn chế. Nhiều nơi nộp phạt xong tiếp tục vi phạm, trong khi số DN được kiểm tra rất thấp, chỉ đạt khoảng 1/20 so với tổng số DN, cơ sở sản xuất có tác động đến môi trường.
Những ảnh hưởng đối với môi trường do hoạt động xả thải của DN không những ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân, mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh. Ngoài việc chấp hành chưa nghiêm túc của DN đối với quy định về bảo vệ môi trường, trách nhiệm không nhỏ thuộc về chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương. Ðó là: chưa thật sự quan tâm đến đầu tư hạ tầng về xử lý nước thải, chất thải; thiếu sâu sát, thường xuyên trong kiểm tra; chưa quyết liệt, thiếu tính răn đe trong xử phạt; chưa có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng. Mong rằng thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ có những giải pháp thật sự quyết liệt nhằm xử lý triệt để, hiệu quả những bức xúc về ô nhiễm ở các khu, cụm công nghiệp mang lại sự “trong sạch” cho môi trường, cũng như bảo đảm sức khỏe, sản xuất của người dân.